UPT chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo

Thứ ba - 21/07/2020 21:17
Sáng ngày 17/7/2020 vừa qua, tại trường Đại học Phan Thiết đã diễn ra Hội nghị “Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo năm học 2019-2020”.

Tại bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển và có nhiều thay đổi rõ nét về mọi lĩnh vực của cuộc sống, vấn đề giáo dục và đào tạo càng trở nên được quan tâm và cải tiến. Trong đó, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo chính là hai yếu tố có tác động mạnh mẽ đến chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội hiện đại, đồng thời giảm thiểu tối đa sự cạnh tranh khốc liệt trong vấn đề tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Hiểu được điều đó, Hội nghị “Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo năm học 2019-2020 tại trường Đại học Phan Thiết” đã được diễn ra và thu hút rất nhiều sự tham gia của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trong toàn trường.

Tham dự tại Hội nghị lần này, ngoài sự góp mặt của Trưởng / Phó, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên các Khoa chuyên môn, Phòng, Ban chức năng của trường Đại học Phan Thiết, còn có sự hiện diện của PGS.TS. Đinh Phi Hổ – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và ThS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Về phía khách mời, trường Đại học Phan Thiết rất vinh dự được chào đón GS.TS. Ngô Đắc Chứng – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế đến tham dự Hội nghị.

Toàn cảnh buổi Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Đinh Phi Hổ – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phan Thiết cho rằng: “Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề cấp thiết của các trường Đại học nói chung và trường Đại học Phan Thiết nói riêng. Hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn về phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường, mà còn là cơ hội để tập thể sư phạm trường Đại học Phan Thiết được nhìn nhận và đánh giá lại thực trạng giảng dạy hiện tại, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, định hướng đổi mới, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

PGS.TS. Đinh Phi Hổ – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phan Thiết phát biểu khai mạc Hội nghị

Tiếp nối phần phát biểu của PGS.TS. Đinh Phi Hổ, TS. Phạm Thị Minh Hạnh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nguồn Nhân lực trường Đại học Phan Thiết cũng đã có phần trình bày tham luận với đề tài “Dạy học theo mô hình BOPPPS trên thế giới và những vận dụng cho các trường Đại học Việt Nam”. BOPPPS là viết tắt của lần lượt các chữ Bridge-In: dẫn vào bài, Objective/Outcome: mục tiêu bài học/kết quả, Pre-Assessment: đánh giá trước giảng dạy, Participatory Learning: sinh viên tham gia xây dựng bài, Post-Assessment: đánh giá sau giảng dạy và Summary/Closure: tóm tắt/tổng kết bài giảng. Đây là mô hình dạy học đã mang lại hiệu quả cao ở Canada, Mỹ và một số nước Châu Âu, hiện đang rất phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Vận dụng mô hình BOPPPS vào dạy học Đại học góp phần cải thiện việc tiếp thu và phát triển tối đa kiến thức của người học.

TS. Phạm Thị Minh Hạnh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nguồn Nhân lực trường Đại học Phan Thiết trình bày tham luận tại Hội nghị

Tiếp theo chương trình, TS. Nguyễn Quốc Khánh – Trưởng Khoa Tài chính – Kế toán – Ngân hàng cũng đã có bài tham luận về vấn đề “Chuẩn hóa hệ thống đánh giá kết quả học tập”. Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh, một nền giáo dục tiến bộ cần phải có một hệ thống điểm số đánh giá được chuẩn hoá, sao cho vừa có thể chuyển tải được hết mục đích của giáo dục, vừa giúp xã hội đánh giá chính xác mức độ năng lực của sinh viên, đồng thời giúp sinh viên định hướng được mục tiêu và điều chỉnh được hành vi, phương pháp học tập của bản thân nhằm nâng cao kết quả học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện hệ thống đánh giá đòi hỏi phải có thời gian và sự kiện toàn môi trường pháp lý. Để đạt được mục đích không nhất thiết phải cầu toàn và cũng không nên áp dụng một cách máy móc mà tùy vào hoàn cảnh môi trường, điều kiện và yêu cầu thực tế trong từng giai đoạn, đặc thù của từng trường học để xây dựng mục tiêu phù hợp.

TS. Nguyễn Quốc Khánh – Trưởng Khoa Tài chính – Kế toán – Ngân hàng trình bày tham luận tại Hội nghị

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Quốc Khánh, ThS. Mai Ngọc Khánh – Phó Trưởng Khoa Du lịch đã có tham luận về việc “Vận dụng phương pháp dạy học tích cực dựa trên năng lực thực hiện đối với nghề dịch vụ lưu trú”. Trong phần tham luận, ThS. Mai Ngọc Khánh đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học tích cực tại trường Đại học Phan Thiết và đề ra một số giải pháp thiết thực để thúc đẩy phương pháp giảng dạy tích cực cho Khoa Du lịch nói riêng và Nhà trường nói chung.

ThS. Mai Ngọc Khánh – Phó Trưởng Khoa Du lịch trình bày tham luận tại Hội nghị

Phần báo cáo tham luận tiếp theo được trình bày bởi ThS. Lê Anh Linh – Phó Trưởng Khoa Quản Trị Kinh Doanh với đề tài “Ứng dụng thang Bloom trong việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên tại trường Đại học Phan Thiết”. Theo nội dung tham luận ThS. Lê Anh Linh đưa ra, thang bậc nhận thức của Bloom có 6 mức độ được sắp xếp từ thấp đến cao trong quá trình nhận thức của người học, bao gồm: biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, và đánh giá. Ứng dụng thang Bloom đã và đang được nhiều quốc gia sử dụng bởi tính khoa học và độ tin cậy cao. Từ các tiêu chí về nhận thức của hệ thống này, giảng viên giảng dạy có thể tự xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực của người học qua môn học mình phụ trách, đem đến hiệu quả rõ nét trong việc đánh giá kết quả đào tạo của Nhà trường.

ThS. Lê Anh Linh – Phó Trưởng Khoa Quản Trị Kinh Doanh tại Hội nghị

Bài tham luận thứ năm với chủ đề “B-Learning – Giải pháp xây dựng trường Đại học thông minh” được thực hiện bởi ThS. Lâm Ngọc Điệp – Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Phan Thiết và ThS. Nguyễn Ngọc Hoa Kỳ – Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh. Theo phần trình bày của hai báo cáo viên, B-Learning (viết tắt của Blended Learning) là phương thức học tập kết hợp, được sử dụng trong điều kiện không đủ khả năng thực hiện hoàn toàn E-Learning hoặc mong muốn kết hợp các hình thức học tập khác nhau nhằm mở rộng tối đa năng lực của người học. Có thể xem phương thức học tập B-Learning chính là một nhánh phát triển của E-Learning theo hướng kế thừa lợi ích và hạn chế khiếm khuyết của cả hai phương thức giảng dạy trực tuyến và trực tiếp.

ThS. Lâm Ngọc Điệp – Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Phan Thiết và ThS. Nguyễn Ngọc Hoa Kỳ – Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh (từ phải sang) tại Hội nghị

Phần tham luận cuối cùng được báo cáo bởi ThS. Phan Minh Mẫn – Giảng viên Khoa Cơ bản. Đúng với chuyên môn đang phụ trách, trong Hội nghị lần này, ThS. Phan Minh Mẫn đã đem đến bài tham luận với đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn học giáo dục thể chất”. Trong phần trình bày của mình, ThS. Phan Minh Mẫn đã đề ra hàng loạt cách thức nhằm tạo hứng thú cho người học, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất tại Nhà trường, từ đó tạo ra sân chơi lành mạnh, môi trường sinh hoạt, rèn luyện bổ ích cho sinh viên, góp phần làm giảm đi tệ nạn xã hội và nâng tầm vị thế giáo dục của Đại học Phan Thiết.

ThS. Phan Minh Mẫn – Giảng viên Khoa Cơ bản tại Hội nghị

Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng thu hút được một số bài tham luận vô cùng chất lượng khác đến từ ThS. Võ Khắc Trường Thi – Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo trường Đại học Phan Thiết, TS. Trịnh Thanh Toản – Trưởng Khoa Ngoại ngữ và ThS. Võ Hoàng – Trưởng Phòng Công tác Chính trị Sinh viên – Quan hệ Doanh nghiệp & Hỗ trợ việc làm sinh viên. Nhìn chung, các bài tham luận đều được đưa ra dựa trên tình hình đào tạo thực tế của Nhà trường với mục tiêu khắc phục những tồn tại và phát huy những điểm mạnh, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển, thực hiện hóa tầm nhìn, sứ mệnh Nhà trường đã đề ra. 

Có mặt tại Hội nghị lần này, GS.TS. Ngô Đắc Chứng – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cũng đã có đôi lời chia sẻ hết sức chân thành về kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo dưới góc độ của Nhà quản lý giáo dục, góc độ của Khoa và Giảng viên bộ môn trong việc giảng dạy, xây dựng, rà soát và kiểm định chương trình đào tạo, hướng đến mục tiêu đưa trường Đại học Phan Thiết đạt chuẩn chất lượng đào tạo không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

GS.TS. Ngô Đắc Chứng – Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị

Kết thúc Hội nghị, ThS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phan Thiết đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các cán bộ quản lý, Thầy Cô giảng viên trường Đại học Phan Thiết trong việc nghiên cứu, nỗ lực tìm ra các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường. Đây chính là tiền đề góp phần giúp sự nghiệp hoạt động của trường Đại học Phan Thiết ngày càng đi lên, khẳng định được vị thế trong và ngoài khu vực.

ThS. Nguyễn Văn Hiến – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phan Thiết phát biểu bế mạc Hội nghị

Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác giáo dục của Nhà trường. Tuy nhiên, bài toán về đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo Đại học vẫn sẽ luôn là một trong những vấn đề trọng tâm được tập thể sư phạm trường Đại học Phan Thiết quan tâm và nỗ lực cải thiện.

Hình ảnh lưu niệm cuối buổi Hội nghị

Tác giả bài viết: Ban Truyền Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

18/QĐ-HĐGSNN

Quyết định

Thời gian đăng: 28/08/2020

lượt xem: 308 | lượt tải:133

27/2015/TTLT-BKHCN-BTC

Thông tư liên tịch

Thời gian đăng: 21/07/2020

lượt xem: 270 | lượt tải:142
Thống kê
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay784
  • Tháng hiện tại20,859
  • Tổng lượt truy cập590,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây